Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

KỶ LUẬT CON KHÔNG NƯỚC MẮT


Kỷ luật không nước mắt là một kinh nghiệm rất quý báu cho các bậc cha mẹ (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: H.DUẨN



















MasterParents xin gửi đến bạn một bài viết trên báo Giáo Dục

Làm thế nào để con trẻ nghe lời mà không cần la mắng, có nhất thiết sử dụng đòn roi hay các hình thức kỷ luật quá “nặng” khác gây nên hậu quả lâu dài cho tâm lý của trẻ… ThS. Trần Thị Ái Liên vừa chia sẻ với các bậc phụ huynh nội dung “Kỷ luật không nước mắt” nhằm đưa ra những giải pháp trên.
Tạo sự công bằng giữa cha mẹ và trẻ

Mỗi sáng chị My (Q.Phú Nhuận - TP.HCM) phải lên tận phòng đánh thức con dậy để đi học. 

Hầu như sáng nào chị cũng năn nỉ nhưng con vẫn dậy muộn. 

Một lần không kiềm chế được, chị đã tát con, vậy là con khóc đòi nghỉ học hôm đó, sáng hôm sau chị lại phải lên phòng đánh thức con và dẫn tới lớp. 

Chị My thú nhận không biết làm thế nào cho con tự giác thức dậy mà không cần phải nhắc nhở. 

ThS. Ái Liên “trấn an” các bà mẹ: “Hãy kiên nhẫn chấp nhận và thông cảm cho trẻ, xem lỗi lầm đó của trẻ là bình thường. 

Mọi cá tính, tích cách của trẻ cha mẹ đều có thể thay đổi được, quan trọng là cần kiên nhẫn tập cho con. 

Đừng vì lỗi lầm đó mà tạo cho trẻ có cảm giác xa lánh. 

Phụ huynh cần  giáo dục cho trẻ hiểu “gia đình là một nhóm”, mỗi người đều là thành viên, không nên tạo khoảng cách giữa ba mẹ và con cái. 

Cha mẹ cần lắng nghe, thông cảm, chia sẻ với trẻ vì có nhiều điều hay mà cha mẹ cũng có thể học được ở trẻ. Hãy quan niệm, trẻ làm sai là đương nhiên, còn trẻ làm đúng, làm giỏi cần phải khen, động viên khích lệ trẻ tiếp tục. 

Cần tạo sự công bằng giữa cha mẹ và con cái, ngay cả khi trẻ “bắt lỗi” cha mẹ trước mọi người. Lúc đó, phụ huynh không nên xấu hổ la mắng mà hãy nhẹ nhàng tế nhị nhận lỗi trước trẻ.

Cha mẹ chỉ là người tạo sự ảnh hưởng đến quyết định của trẻ, chứ không quyết định giùm trẻ được. Khi trẻ gặp khó khăn trong vai trò của người chịu trách nhiệm, trẻ sẽ cần tới sự giúp đỡ của bố mẹ. 

Sau những lần như vậy, trẻ hiểu được tầm quan trọng của người ra quyết định, thấy được các khó khăn và dễ dàng hiểu bố mẹ hơn.

Phạt điều con muốn chứ không phải điều con cần

Theo ThS. Ái Liên, nội dung “Kỷ luật không nước mắt” xoay quanh 3 nội dung chính: Quy tắc thưởng phạt, quy tắc khen chê và quy tắc ứng xử. 

Cụ thể, khi trẻ phạm lỗi, phụ huynh muốn phạt trẻ, thì phải dựa trên điều con muốn chứ không phải điều con cần. Ở đây, điều con muốn là những gì trẻ thích mà hằng ngày trẻ không có được. 

Ví dụ như dựa vào ý thích của trẻ,  bố mẹ có thể thưởng cho trẻ một buổi đi picnic, thư viện hay chơi công viên. Còn điều con cần là nhu cầu hằng ngày, những gì trở thành thói quen của trẻ. 

Ví dụ khi trẻ biếng ăn, phụ huynh thường tức giận, không cho trẻ ăn đến khi trẻ đói quá phải tự ăn, cách này không khoa học bởi ăn uống là nhu cầu cần thiết cho trẻ. 

Cha mẹ cần giúp cho trẻ hiểu và thấy rõ thế nào là thưởng - phạt thì mới dễ dàng thuyết phục trẻ. 

Phụ huynh cũng có thể sử dụng một vài hình phạt nặng: Khi trẻ phạm lỗi (trẻ dưới 5 tuổi) thì cho trẻ ngừng chơi, tìm một góc an toàn (không có vật nhọn, con vật gì nguy hiểm) trong nhà để trẻ ngồi vào góc đó 3 phút. 

Dùng đồng hồ đếm giờ để báo hiệu khi nào hết giờ phạt. Nếu trẻ bướng bỉnh không chịu ngồi, thì phụ huynh nói rằng “Mẹ sẽ vặn đồng hồ thêm vài phút nữa”. 

Hay như nếu phụ huynh không muốn con đụng vào bếp lò nóng thì cũng có thể cho trẻ đụng vào thử, để trẻ biết là bếp nóng như thế nào? Lúc đó trẻ sẽ nhận biết được hậu quả… Khi thưởng cho trẻ, không nên dựa trên hành động trẻ làm mà hãy thưởng cho trẻ dựa vào kết quả của hành động đó. 

Không nên thưởng cho trẻ theo kiểu điều kiện trao đổi. Chẳng hạn “Nếu con làm bài tập thì con được đi chơi cuối tuần” như vậy vô tình sẽ gây sự chai lỳ cho trẻ, trẻ làm hết bài tập để được đi chơi mà không tự nguyện, không thấy được hiệu quả của việc làm bài tập.

Nên chuẩn bị tinh thần trước cho trẻ khi cần trẻ thực hiện điều cha mẹ muốn. 

Cha mẹ nên cho con biết rằng, con sẽ được xem ti vi trong vòng nửa tiếng thì trước khi hết giờ 5 phút, hãy nhắc con một lần, 1 phút trước khi hết giờ nhắc lại lần nữa và đúng giờ tắt là tắt. 

Dù trẻ có khóc thì vẫn cứ tắt, cứ để cho trẻ khóc, không bắt trẻ phải nín ngay lúc đó. Nếu phụ huynh lên tiếng bắt trẻ nín khóc, trẻ sẽ thấy khóc là có tác dụng và càng khóc to hơn. 

Khi trẻ khóc cũng không nên la, cứ mặc cho trẻ khóc, bởi lúc này đang dạy trẻ “chỉ được xem ti vi 5 phút”. Lúc đó, nếu phụ huynh bảo với trẻ khóc là xấu, trẻ sẽ không nghe. 

Hôm sau, khi mọi chuyện qua đi thì mới dạy cho trẻ biết điều này, trẻ sẽ tiếp thu.
Nguyên Hải
Trích từ báo Giáo Dục

Link chi tiết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét